Nội dung bài viết
Trong quá trình quản trị website WordPress, chắc hẳn bạn sẽ gặp phải vấn đề “Không gửi được Email trên WordPress” hay “Không nhận được Email trên WordPress“. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết tình trạng “Không gửi được Email” thông qua việc sử dụng plugin WP Mail SMTP kết hợp với dịch vụ SMTP của Gmail (hay còn gọi là Gmail SMTP). Minh xin hướng dẫn các bạn Sửa lỗi gửi mail trong WordPress không được để đảm bảo trang web của bạn có thể gửi và nhận email một cách suôn sẻ.
Nguyên nhân không gửi được Email trên WordPress?
Có rất nhiều lý do khác nhau mà một website wordpress có thể gặp phải lỗi không gửi được email. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Cấu hình sai WP Mail SMTP: Đảm bảo rằng bạn đã cấu hình WP Mail SMTP chuẩn để gửi email từ website wordpress của mình chưa? Kiểm tra xem thông tin Gmail SMTP có chính xác hay không (SMTP Host, Mã hoá, SMTP Password và SMTP Username).
- Bị chặn bởi tường lửa: Có thể tường lửa của nhà cung cấp dịch vụ hosting, máy chủ ảo đã chặn việc gửi email thông qua giao thức SMTP (Simple Mail Transfer Protocol).
- Daily sending quota: Kiểm tra xem bạn đã đạt đến giới hạn gửi email của dịch vụ email bạn đang sử dụng hay chưa ( Gmail giới hạn 500 email mỗi ngày ).
- IP bị Blacklist: IP máy chủ nằm trong danh sách đen liên quan đến các hoạt động Spam, Phishing hoặc các hoạt động lừa đảo trực tuyến khác nên các email được gửi từ website wordpress của bạn có thể bị chặn hoặc đưa vào thư mục spam.
Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến website WordPress không thể gửi email xuất phát từ sự lo ngại của nhà cung cấp dịch vụ hosting. Họ thường lo lắng về việc khách hàng lạm dụng dịch vụ web hosting của họ để gửi email rác hàng loạt, tương tự như vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác ở Việt Nam. Ngoài ra, cũng có nguy cơ truyền tải malware và virus qua email, điều này dẫn đến việc IP máy chủ bị đưa vào danh sách đen, tác động không chỉ đến website của bạn mà còn đến nhiều khách hàng khác sử dụng cùng một máy chủ.
Vậy nên các nhà cung cấp dịch vụ hosting đã ngăn chặn việc gửi email thông qua giao thức SMTP (Simple Mail Transfer Protocol) từ máy chủ hoặc mạng nội bộ của họ. Việc này giúp đảm bảo ổn định cho tất cả các khách hàng, nhưng đồng thời cũng làm website của bạn gặp khó khăn khi thực hiện các chức năng gửi email.
Một số lỗi thường gặp khi không gửi được Email trên WordPress
- Lỗi gửi Email trong quá trình Tạo tài khoản hoặc Quên mật khẩu: Người dùng không nhận được email xác nhận đăng ký thành công hoặc liên kết đặt lại mật khẩu.
- Lỗi khi gửi thông báo hoặc liên hệ: Form liên hệ hoặc tính năng gửi thông báo trên website không hoạt động.
- Email bị đưa vào thư mục Spam thay vì xuất hiện trong hộp thư đến (Inbox): Gây phiền phức cho người dùng khi muốn nhận những thông báo quan trọng kịp thời, ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng.
Làm thế nào để gửi email khi nhà cung cấp dịch vụ hosting đã chặn SMTP? Minh xin chia sẻ đến các bạn một số Plugin WordPress được sử dụng nhiều nhất hiện nay mà các quản trị viên website WordPress đều sử dụng để giải quyết vấn đề không gửi được Email trên WordPress.
Dịch vụ SMTP Server miễn phí nên dùng
Có một số dịch vụ SMTP Server miễn phí mà bạn có thể sử dụng để gửi email từ website wordpress hoặc ứng dụng của mình. Dưới đây là một số nhà cung cấp dịch vụ Email SMTP Server phổ biến mà bạn có thể xem xét để sử dụng cho nhu cầu gửi email từ website wordpress của mình:
- Brevo:
Website: Brevo
Brevo cung cấp 300 email miễn phí mỗi ngày và hỗ trợ API SMTP. - Elastic Email:
Website: Elastic Email
Elastic Email cung cấp 100 email miễn phí mỗi ngày và hỗ trợ API SMTP. - SendGrid:
Website: SendGrid
SendGrid cung cấp 100 email miễn phí mỗi ngày và hỗ trợ API SMTP. - Mailgun:
Website: Mailgun
Mailgun cung cấp 100 email miễn phí mỗi ngày và hỗ trợ API SMTP. - Amazon SES (Simple Email Service):
Website: Amazon Web Services
Amazon SES cung cấp 50,000 email miễn phí mỗi ngày. - Gmail SMTP Server:
Website: Gmail
Gmail SMTP cung cấp 500 email miễn phí mỗi ngày.
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết từng bước, giúp bạn cài đặt và cấu hình plugin WP Mail SMTP sử dụng Gmail SMTP để khắc phục tình trạng không gửi được Email trên WordPress của mình.
Cài đặt plugin WP Mail SMTP
Bước 1: Đăng nhập vào Trang quản trị WordPress.
Truy cập trang quản trị WordPress của bạn bằng cách thêm /admin vào địa chỉ trang web của bạn (ví dụ: https://minhcoder.com/admin).
Bước 2: Chọn mục “Plugin”.
Trong trang quản trị, điều hướng đến mục “Plugin” ở thanh menu bên trái và chọn “Add New Plugin”.
Bước 3: Tìm kiếm plugin WP Mail SMTP.
Trong trang “Add Plugins” (Thêm gói mở rộng), sử dụng hộp tìm kiếm ở góc trên bên phải và nhập “WP Mail SMTP”. Khi plugin xuất hiện, nhấp vào nút “Install Now” (Cài đặt).
Bước 4: Cài đặt plugin.
Sau khi bạn nhấp vào “Install Now”, WordPress sẽ tải về và cài đặt plugin WP Mail SMTP. Sau khi quá trình cài đặt hoàn tất, bạn sẽ thấy nút “Activate”. Nhấp vào nút này để kích hoạt plugin.
Cấu hình plugin WP Mail SMTP
Cấu hình WP Mail SMTP
Sau khi kích hoạt plugin WP Mail SMTP, bạn cần cấu hình plugin WP Mail SMTP theo hướng dẫn bên dưới.
Bước 1: Bấm vào “Let’s Get Started” để tiếp tục.
Bước 2: Chọn nhà cung cấp dịch vụ SMTP cần sử dụng.
Trong bài viết này, chúng ta sử dụng dịch vụ SMTP của Gmail (Gmail SMTP). Nên sẽ click chọn “Other SMTP” rồi bấm “Save and Continue” để chuyển sang bước tiếp theo.
Bước 3: Tại ô “SMTP Host” nhập vào “smtp.gmail.com“, bởi vì chúng ta đang sử dụng dịch vụ SMTP của Gmail.
1. SMTP Username: Nhập vào gmail của bạn (Có thể sử dụng email phụ).
2. SMTP Password: Nhập vào mật khẩu ứng dụng.
Lưu ý: Mật khẩu ứng dụng không phải là mật khẩu đăng nhập vào Gmail hay mật khẩu tài khoản Google.
3. Tên người gửi: Nhập tên website của bạn hay tên thương hiệu, Slogan,…
4. Mail đi: Bắt buộc phải là email tên miền.
Ví dụ: Bạn đang cấu hình plugin WP Mail SMTP trên website có tên miền là : minhcoder.com, thì ở ô Mail đi, bạn hãy nhập email tên miền dạng: info@minhcoder.com hay ketoan@minhcoder.com hay sales@minhcoder.com,… tóm lại là email phải có đuôi @minhcoder.com và các email này không bắt buộc phải tồn tại nhé!
Và nhớ check vào 2 tuỳ chọn: Force From Name và Force From Email. Bấm “Save and Continue” để lưu lại và tiếp tục.
Bước 4: Bỏ check 2 tuỳ chọn ở dòng 3 và 4 (Smart Contact Form và Weekly Email Summary). Bấm “Save and Continue” để lưu lại và tiếp tục.
Bước 5: Bấm Save and Continue để tiếp tục.
Bước 6: Bấm Skip this step để bỏ qua và chuyển sang bước tiếp theo.
Bước 7: Bấm Finish Setup để hoàn tất quá trình cấu hình plugin WP Mail SMTP.
Tới được đây, là bạn đã Cài đặt và Cấu hình plugin WP Mail SMTP thành công rồi. Để chắc chắn rằng lỗi không gửi được Email trên WordPress không còn nữa, bạn có thể kiểm tra bằng cách sau.
Kiểm tra cấu hình WP Mail SMTP
Sau khi lưu cài đặt, bạn có thể kiểm tra plugin bằng cách sử dụng tính năng kiểm tra email trong trang cấu hình WP Mail SMTP. Điều này giúp bạn đảm bảo rằng các cài đặt của bạn đã được thiết lập đúng và email có thể được gửi thành công.
Lưu ý rằng các bước có thể có thay đổi tùy vào phiên bản cụ thể của plugin và phiên bản WordPress bạn đang sử dụng. Hãy luôn đảm bảo rằng bạn đang sử dụng phiên bản mới nhất của cả WordPress và plugin để đảm bảo tính ổn định và bảo mật.
3 comments
Đúng bài viết mình cần đây rồi, cảm ơn Minh Coder
Hướng dẫn rất chi tiết, cảm ơn bạn!
Bài viết rất bổ ích